Sử dụng THIÊN ĐỊCH trong PHÒNG TRỪ SINH VẬT HẠI

0
12297

Sử dụng thiên địch được xem là một xu hướng hữu hiệu để diệt sinh vật gây hại, lại vừa đảm bảo an toàn cho cây trồng. Các thiên địch có thể triệt tiêu hoặc kiềm chế sự phát triển của sâu bệnh. Song bên cạnh đó, vẫn cần tiến hành các biện pháp phòng trừ sinh vật hại  để đạt được hiệu quả cao.

Sử dụng thiên địch được xem là biện pháp tối ưu

KHÁI NIỆM VỀ THIÊN ĐỊCH

Thiên địch có nghĩa những những sinh vật có khả năng tiêu diệt và áp chế những sinh vật khác. Sử dụng thiên địch được xem là tối ưu, thân thiện với môi trường.

Tùy vào môi trường khí hậu, đặc điểm cây trồng và sinh vật hại mà sử dụng các loại thiên địch phù hợp.Ngoài ra cũng cần tạo trường sống lý tưởng cho thiên địch có điều kiện để phát triển.

MỘT SỐ LOẠI THIÊN ĐỊCH ĐƯỢC SỬ DỤNG

Đối với cây lúa

Bà con nông dân có thể sử dụng các loại thiên địch như: nấm đối kháng (nấm xanh Metarhizium anisopliae, nấm trắng Beauveria bassiana ký sinh rầy; ong mắt đỏ ký sinh sâu đục thân, nhện linh miêu, chim sẻ (chỉ vào vụ hè – thu)… Hiện nay, biện pháp sử dụng chế phẩm nấm xanh M.a ( Metarhizium anisopliae) để phòng trừ Rầy nâu trên đồng ruộng là biện pháp khá phổ biến và ngày càng được nhân rộng nhờ tính khả thi và hiệu quả phòng trừ cao.

Nên áp dụng việc xây dựng những mô hình ruộng lúa theo “Công nghệ sinh thái” như tỉnh Tiền Giang, đây là mô hình dựa trên lý thuyết hệ sinh thái cân bằng động, sử dụng một số loài cây bẫy được trồng quanh bờ ruộng như: cúc gót, đậu bắp, sài đất, cà tím, cúc mặt trời, cẩm tú, trâm ổi. Đây là những cây trồng cho hoa có nhiều mật, dễ trồng, không che rợp cây trồng và ra hoa quanh năm nhằm thu hút nguồn thiên địch.

Đối với cay rau

Dùng các loại thiên địch như: nấm đối kháng Tricoderma, nấm bột Nomurae rileyi, NPV, bọ rùa 8 chấm, bọ xít nâu viền trắng, kiến ba khoang, chuồn chuồn cỏ, ong cự, ong kén trắng, ruồi ăn rệp…

Các loài thiên địch trên từng khá phổ biến ngoài đồng ruộng, tuy nhiên do tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học nên mật số lượng của chúng ngày càng giảm. Hiện nay, việc sử dụng chế phẩm nấm Tricoderma (TRICÔ-ĐHCT, NLU-Tri,…) ngày càng được nhiều nông dân biết đến và sử dụng phổ biến, chế phẩm nấm Tricoderma được trộn với phân chuồng ủ hoai dùng bón lót cho cây trồng có tác dụng hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất.

Nhân nuôi và phóng thích một số loại thiên địch có khả năng bắt mồi cao, sức sống mạnh, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh như: bọ xít hoa gai vai nhọn Cantheconidae furcellata, bọ xít cổ ngỗng, bọ rùa 8 chấm Harmonia octomaculata, chuồn chuồn cỏ Chrysopa sp., …

Đối với cây ăn quả

Sử dụng kiến vàng có tên khoa học là Oecophylla smaragdina, thuộc Bộ cánh màng Hymenoptera, Họ Formicidae. Kiến vàng có khả năng tấn công nhiều loại sâu hại phổ biến trên cây ăn trái.

Kiến vàng là một loại côn trùng đã có từ rất lâu. Nhiều nhà vườn đã nhận thấy lợi ích của kiến vàng trong các vườn cây ăn trái tuy nhiên, nông dân chưa biết rõ vai trò của kiến vàng. Kiến vàng là một loại thiên địch giúp nông dân tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ cây trồng mà không cần sử dụng thuốc hóa học.

Nếu vườn cam quýt có kiến vàng thì tỷ lệ trái bị rụng do bọ xít xanh ( Rhynchocoris humeralis) thấp hơn so với vườn có dùng thuốc hóa học là 60% và thấp hơn vườn không phun thuốc là 44%. Ở châu Phi, kiến vàng ngăn không cho hai loại bọ xít hại dừa phát triển. Ở nhiều nước, các cây ca cao có kiến vàng sẽ không bị chuột phá.

MỘT SỐ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THIÊN ĐỊCH

Chim sẻ vừa là thiên địch nhưng cũng vừa gây hại

Như đã nói ở trên,  sử dụng thiên địch mang lại những hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên nói vậy không phải là biện pháp này không có những hạn chế. Đầu tiên là tiến độ của hiệu quả khá chậm so với các biện pháp khác, chủ yếu phụ thuộc và điều kiện thời tiết.

Nhiều loại thiên địch được di nhập có thể không thích nghi với khí hậu của địa phương, dẫn đến tình trạng suy yếu và chết đi (ví dụ như kiến vàng thể không sống ở môi trường quá lạnh).

Thiên địch không có khả năng triệt tiêu sinh vật gây hại mà chỉ có thể hạn chế sự phát triển của chúng. Khi thiên địch bị giảm về số lượng thì sinh vật gây hại sẽ có cơ hội được phát triển.

Bản thân một loài thiên địch cũng có thể là sinh vật gây hại: điển hình là chim sẻ ở vụ hè thu ăn các loại sâu bọ gây hại cho lúa, nhưng vào mùa đông xuân lại ăn lúa và mạ mới gieo.

Chính vì vậy, để đảm bảo cho việc phòng trừ sâu bệnh, bà con nông dân cần kết hợp việc sử dụng thiên địch song song với các biện pháp khác để ngăn chặn sự phát triển của sinh vật gây hại cũng như nâng cao năng suất cho cây trồng.

THANH TỊNH (Tổng hợp)

Chia sẻ ý kiến về bài viết này!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here