Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, mặt dù tỉ lệ sản phẩm cung cấp từ chăn nuôi nông hộ vẫn còn cao, song các nông hộ chăn nuôi đang có chiều hướng giảm dần. Song song với đó là việc các nông trại và gia trại chăn nuôi có xu hướng tăng dần và vai trò cũng ngày càng được nâng cao.
NHỮNG THÀNH QUẢ TỪ CÁC NÔNG TRẠI CHĂN NUÔI
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện nay cơ bản số lượng gia súc, gia cầm biến động không lớn so với cuối 2017.
Cuối 2017, đàn lợn có 27,4 triệu con, sau Tết giảm khoảng 5-6 triệu con. Hiện, các trang trại đang vào đàn nhanh, tái đàn tốt. Giá lợn giống tốt 700.000-750.000, hầu hết tăng ở các khu vực. Hiện nay, nhu cầu lợn giống tăng cao để tái đàn. Quý I, ổn định khoảng 27 triệu con, tại một số địa phương, có một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngừng hoạt động. chỉ giảm số hộ nhỏ nên không ảnh hưởng đến tổng đàn, chỉ giảm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn các trang trại vẫn phát triển.
Còn về gia cầm, trước và sau Tết giá ổn định, ở mức có lợi cho người sản xuất, giá gà ta khoảng 140.000-145.000, trong tết vào khoảng 110.000-125.000, gà lông màu 70.000-80.000. “Nói chung, sản lượng và số lượng gia cầm vẫn ổn định, đến nay đàn gia cầm cũng chỉ biến động quanh khoảng 300 triệu con. Hiện các trang trại đang tái đàn nhanh phục vụ mùa lễ hội”, ông Vân thông tin.
Chăn nuôi bò sữa khá ổn định, các doanh nghiệp lớn nâng cao số lượng đầu con, phấn đấu đạt 300.000 con trong năm nay. Đàn bò thịt tăng nhẹ lên khoảng 5,4 triệu con. Hiện một số đơn vị đang cho sinh sản và nhập khẩu thêm. Đặc biệt, bò sống nhập từ Australia tăng mạnh, khoảng 30%.
Đặc biệt, theo nhìn nhận của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hiện nay đang có sự chuyển biến trong tái cơ cấu sản phẩm. “Trước hết là ngành hàng thịt lợn có nhiều doanh nghiệp lớn như Massan, Dabaco, CP… đang thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn. Các doanh nghiệp này đang tái cơ cấu theo chuỗi, xây dựng vùng an toàn dịch, gắn với hệ thống giết mổ hiện đại phục vụ trong nước và xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều tập trung giảm giá thành sản phẩm, việc này mọi năm chúng tôi kêu gọi nhiều, nhưng có doanh nghiệp làm có doanh nghiệp không, nhưng năm nay các doanh nghiệp đều làm hết”, ông Vân chia sẻ.
Trong năm 2018, Cục Chăn nuôi tiếp tục xác định các vùng chăn nuôi có lợi thế, biến lợi thế thành thời cơ.
CẦN GIẢI QUYẾT NHỮNG KHÓ KHĂN
Chăn nuôi trang trại đã góp phần kiểm soát dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi. Nắm bắt xu thế này, nhiều địa phương đã có chính sách khuyến khích đầu tư, cụ thể, hiện đã có 40/63 tỉnh, thành phố có Quy hoạch phát triển chăn nuôi, trong đó có 30 tỉnh có Đề án Quy hoạch phát triển chăn nuôi được phê duyệt.
Tuy nhiên, quy hoạch chăn nuôi của các tỉnh vẫn vấp phải những khó khăn như dồn điền, đổi thửa, thủ tục giao đất, cho thuê đất vẫn còn chậm làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư…
Nhu cầu vốn đầu tư, phát triển trang trại rất lớn, trong khi đó khả năng tiếp cận nguồn vốn của trang trại gặp nhiều khó khăn, do tài sản duy nhất thế chấp thường là đất đai, nhưng đất đai ở những vùng chăn nuôi lại có giá trị kinh tế thấp, trong khi thời gian vay vốn ngắn khiến các chủ trang trại chưa thể định hướng phát triển lâu dài.
Theo đánh giá của ông Lê Thanh Sơn, Cục Phó Cục Chăn nuôi, hiện tính liên kết trong phát triển kinh tế trang trại chưa cao, còn lỏng lẻo, thể hiện giữa chủ trang trại và nguồn cung đầu vào, sản xuất và chế biến, giữa chủ trang trại và một số dịch vụ khác…
Còn theo ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, do sự hình thành và phát triển trang trại chăn nuôi thiếu quy hoạch khiến một số vùng, đặc biệt là ở đồng bằng bị ô nhiễm môi trường. Đây cũng là yếu điểm cần chú trọng ngay từ bây giờ nếu muốn tránh được hậu quả lớn sau quá trình phát triển trang trại.
THANH TỊNH (TỔNG HỢP)