1. Nguồn gốc
Giống đậu tương HLĐN910 được chọn tạo và phát triển dòng thuần DS 09-10 từ tổ hợp lai (HL203 x OMĐN 1) theo phương pháp phả hệ truyền thống.
2. Những đặc điểm chính
Thời gian sinh trưởng: 80-83 ngày. Cao cây: 76,4-82,5 cm, số cành cấp 1, 0,5-1,5 cành. Tổng số trái/cây: 38,7-43,6 trái, tỷ lệ trái 3 hạt: 54,0- 66,4%. Hoa màu trắng, lông tơ màu vàng hung, vỏ trái khi chín màu vàng nhạt, hạt màu vàng sáng, rốn hạt màu nâu nhạt. Trọng lượng 100 hạt: 14,6-16,7 g. Hàm lượng protein 34,7%, lipid 19%. Có khả năng chín tập trung, ít tách quả ngoài đồng. Kháng bệnh gỉ sắt, đốm lá vi khuẩn và thối trái. Năng suất đạt 1,8-1,9 tấn/ha trong vụ Hè Thu và Thu Đông, đạt 2,2-3,0 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, Xuân Hè. Giống cho năng suất ổn định và thích nghi rộng trên nhiều vùng sinh thái. Giống thích hợp canh tác cho vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống đậu tương HLĐN910 trồng thích hợp trên đất đỏ bazan, đất phù sa ven sông, suối và đất thịt nhẹ luân canh sau 2 vụ lúa (có tưới). Mật độ trồng thích hợp 400 ngàn cây/ha, tương ứng với khoảng cách hàng 50 cm, cách cây 20 cm x 3 cây/hốc), lượng giống 80 kg/ha. Lượng phân bón (kg/ha): 40-60 N + 60 P2O5 + 60 K2O, tương đương 87-130 kg Urea + 364 kg Super lân + 100 kg KCl. Bón lót khi gieo trồng: toàn bộ lân; bón thúc lần 1: 10-12 ngày sau mọc ½ N + ½ K2O; bón thúc lần 2: 20-22 ngày sau mọc ½ N + ½ K2O. Vụ trồng thích hợp: Tại Tây Nguyên vụ Hè Thu, Đông Xuân; tại Đông Nam bộ vụ Thu Đông, Đông Xuân; tại Đồng bằng Sông Cửu Long vụ Đông Xuân, Xuân Hè. Giống có thể trồng xen với ngô, bông vải và trong vườn cây công nghiệp trồng mới.
4. Điển hình đã áp dụng thành công
Giống đậu tương HLĐN910 đã được khảo nghiệm sinh thái và đang xây dựng mô hình trình diễn tại Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu), ĐBSCL (Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long).