TƯƠNG LAI ĐẦY TRIỂN VỌNG cho XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM

0
856

Trong hai tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt một bước tiến rõ rệt về xuất khẩu gạo. Một trong những yếu tố quyết định cho bước tiến ấy chính là cơ cấu gạo chất lượng cao. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng về một tương lai tươi sáng cho xuất khẩu gạo tại Việt Nam.

VIỆT NAM ĐÃ VƯỢT QUA THÁI LAN VỀ GIÁ XUẤT KHẨU GẠO

Sau nhiều năm lép vế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay đã đạt 475 USD/tấn. Mức giá này đang cao hơn gạo xuất khẩu của Thái Lan.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ sáng nay, 2.3, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, thị trường gạo xuất khẩu Việt Nam đang có những tín hiệu khởi sắc tích cực.

Hai tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao hơn so với gạo Thái Lan khi giá lên tới 475 USD/tấn. Đây cũng là mức giá tăng cao hơn so với năm 2016 là 435 USD/tấn và năm 2017 là 450 USD/tấn. Gạo xuất khẩu giá cao nâng giá trị xuất khẩu đạt 419 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng thời điểm năm 2017.

Giải thích nguyên nhân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao hơn gạo Thái Lan sau nhiều năm bị đánh giá là thua kém, lép vế cả về giá cả và chất lượng, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng thường trực Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho rằng trong 2 năm trở lại đây, thị trường gạo xuất khẩu đã có sự tham gia nhiều hơn của khối doanh nghiệp tư nhân.

Dù chưa thể sánh với Thái Lan trong khâu xây dựng thương hiệu và chế biến nhưng các doanh nghiệp cũng bước đầu quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong đẩy mạnh chế biến gạo, dù vậy tỉ lệ vẫn còn ở mức thấp.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng trường trực Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông nghiệp, giá gạo xuất khẩu tăng cho thấy tái cơ cấu ngành sản xuất, chế biến gạo bước đầu đã hiệu quả. Giá gạo tăng do tái cơ cấu xuất khẩu trong 2 năm qua đã ưu tiên các sản phẩm gạo chất lượng cao, như gạo thơm, gạo nếp giá cao. Trong năm ngoái, tỉ lệ gạo chất lượng cao chiếm tới 81% cơ cấu xuất khẩu.

Cũng theo ông Tuấn, để tiếp tục nâng cao giá trị lĩnh vực này, ngành nông nghiệp tiếp tục kiên trì triển khai các biện pháp sản xuất và chế biến gạo với các giống lúa chất lượng cao. Qua theo dõi số lượng hợp đồng đã ký từ các doanh nghiệp, trong năm nay, Việt Nam dự báo sẽ xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo.

DỰ BÁO VIỆT NAM SẼ XUẤT KHẨU 6,5 TRIỆU TẤN GẠO

Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 861.000 tấn gạo với 419 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Philippines là thị trường đứng đầu nhập khẩu gạo Việt Nam với thị phần 26,9%. Trung Quốc đứng thứ hai với 23,5% thị phần.

Đặc biệt, tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời cho biết, giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam đang tăng lên. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thường như IR 50404, nhưng nay chủ yếu là gạo nếp, gạo thơm, jasmine… Năm 2017, trong cơ cấu gạo xuất khẩu 81% là gạo chất lượng cao.

“Có được kết quả này nhờ sự quyết liệt tái cơ cấu trong sản xuất mặt hàng này nhằm nâng cao chất lượng bước đầu cơ hiệu quả. Việt Nam tiếp tục duy trì đi theo con đường gạo chất lượng cao, nâng cao giá trị hạt gạo”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.

Bên cạnh đó, gạo thường sẽ vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định. Mặc dù hiện giá lúa IR50404 đang tốt, nhưng không vì giá tốt trước mắt mà quay trở lại tăng sản xuất loại lúa gạo này. Với lúa IR 50404, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo không sản xuất trong vụ Mùa, chỉ sản xuất một phần trong các vụ còn lại.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, “chúng ta đang dần làm tốt khâu nâng cao chất lượng gạo, thời gian tới phải làm tốt hơn khâu xây dựng thương hiệu.”

Tại miền Nam, lúa Đông Xuân gieo sạ đạt 1.953.100 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017; riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1.563.900 ha và đã thu hoạch khoảng 249.200 ha.

Năng suất lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ 2017. Những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu đã giúp giá lúa ở khu vực này ổn định và tăng nhẹ từ 100-500 đồng/kg.

Năm 2017 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,8 triệu tấn gạo với 2,6 tỷ USD.

THANH TỊNH (Tổng hợp)

Chia sẻ ý kiến về bài viết này!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here